Core Web Vitals - Thước đo xếp hạng website chính thức của Google


6 đánh giá | Điểm số 5/5

Dự kiến năm 2021 Google sẽ có một yếu tố xếp hạng chính thức mới đó chính là Core Web Vitals. Sự thay đổi thuật toán này có một vài chi tiết mà bạn cần phải lưu ý

Google thực hiện hàng trăm thay đổi mỗi năm. Mỗi tuần họ đều giới thiệu những thay đổi mới cho thuật toán của họ, thỉnh thoảng họ thông báo thay đổi yếu tố xếp hạng website. Họ làm điều này khi nó là cần thiết và quan trọng hoặc muốn khuyến khích SEOer cần thay đổi website của mình.

Core Web Vitals cũng là 1 trong số những cập nhật mà Google đã công bố, nhưng nó còn khá mơ hồ đối với nhiều SEOer. Bài viết này 2PINK sẽ cố gắng làm sáng tỏ về yếu tố xếp hạng này để chúng ta sẽ có 1 sự chuẩn bị tốt nhất trong thời gian tới.

Core Web Vitals là gì?

Nó chính là tập hợp các chỉ số thiết yếu của website mà Google sẽ xem xét và đo lường như:

  • Tốc độ tải trang.
  • Thời gian tương tác.
  • Sự ổn định về bố cục của trang.

Core web vitals là gì

Tóm lại những chỉ số này phản ánh trải nghiệm thực tế của người dùng khi truy cập website trên mobile hoặc desktop với tốc độ nhanh hay chậm, họ có thể tương tác với nó dễ dàng hay không...

Sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng trên thiết bị nào?

Nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các kết quả tìm kiếm thông thường từ mobile đến desktop dựa trên các tiêu chí nhất định. Ngoài ra một điểm quan trọng nữa là Core Web Vitals sẽ trở thành một tiêu chí để xếp hạng những bài tin tức trong top đầu của Google.

Trước đây AMP là một yêu cầu để xếp hạng những bản tin hàng đầu đó. nhưng sắp tới AMP sẽ biến mất. Chính vì vậy bạn cần phải đáp ứng các yêu cầu trên để đưa bài viết vào Google News thường xuyên hơn.

Đây là một điểm quan trọng. Vì thế nó có khả năng ảnh hưởng đến rất nhiều kết quả xếp hạng.

Khi nào nó được áp dụng?

Google đã nói rằng nó sẽ được áp dụng vào năm 2021. Vì dịch COVID-19 nên họ đã đẩy lùi việc phát hành thuật toán này và họ muốn cho các quản trị website thêm thời gian để chuẩn bị. Vì vậy ngay từ thời điểm này chúng ta nên nghiêm túc để rà soát lại website một cách cẩn thận theo chuẩn Web Vitals

Sự thay đổi này sẽ lớn đến mức nào?

Điều quan trọng cần nhớ là Google có hàng trăm tín hiệu xếp hạng. Vì vậy, tác động của bất kỳ một tín hiệu nào trong số đó thường không phải là quá lớn. Có nghĩa là nếu website của bạn quá kém trong số những yếu tố trên thì thứ hạng mới có thể bị thay đổi.

Nếu lĩnh vực mà bạn đang SEO có tính cạnh tranh cao thì những thay đổi này mới có thể tạo ra sự khác biệt. Do đó nó có thể nó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều nhưng vẫn là điều mà chúng ta cần phải khắc phục đặc biệt là nếu website của bạn đang ở trạng thái kém.

Một điều cần để ý là một số tín hiệu của Google đã tác động vượt ra ngoài các yếu tố xếp hạng của họ. Ví dụ như tốc độ website có thể chỉ là một tín hiệu khá nhỏ, nhưng khi người dùng trải nghiệm thực tế nó có thể có ảnh hưởng rất lớn. Một số nghiên cứu của riêng Google cho thấy rằng đối với các trang đáp ứng được các ngưỡng này của Core Web Vitals, khách truy cập có tỷ lệ thoát ít hơn 24%.

Vì vậy ngay cả khi không có Core Web Vitals là một yếu tố xếp hạng chính thức của Google, thì các chỉ số của nó vẫn rất quan trọng vì nó giúp cho trải nghiệm người dùng tốt hơn. 24% cũng giống như tăng thêm 24% lượng traffic mà không cần phải làm gì, chỉ đơn giản bằng cách làm cho các chỉ số trang web của bạn tốt hơn.

Ba chỉ số của Core Web Vitals

Chi tiết thì Core Web Vitals đang đo lường website qua những chỉ số nào? Tôi nghĩ mọi người khá oải vì những chỉ số này vì nghe nó rất “kỹ thuật”. Nhưng các bạn không cần để ý quá kỹ vào câu chữ mà chỉ cần hiểu về bản chất của nó đang đo lường những gì trên website của mình.

Rất ngắn gọn, có ba chỉ số đo lường của Core Web Vitals.
Ba chỉ số của Core Web Vitals

1. Largest Contentful Paint (LCP)

Chỉ số đầu tiên là: Hiển thị nội dung có kích thước lớn nhất (LCP). Cơ bản là website của bạn được tải nhanh như thế nào? Rất đơn giản, nó bị ảnh hưởng chủ yếu bởi thời gian tải các tài nguyên như hình ảnh, video, văn bản lớn nhất trong chế độ xem.

Đây là những gì Google đang xem xét. Nội dung lớn nhất trong chế độ xem, cho dù đó là trên desktop hay mobile thì phần nội dung lớn nhất có thể đó là hình ảnh, video hoặc văn bản sẽ được tải nhanh như thế nào? Những tài nguyên này có thể bị ảnh hưởng từ Server, CSS, JavaScript… Tất cả những thứ này có thể đóng một phần. Vì vậy cần phải khắc phục chúng.

Chỉ số LCP phải đạt ít nhất là 2.5 giây.

2. Cumulative Layout Shift (CLS)

Chỉ số thứ hai là: Thay đổi bố cục tích lũy (CLS). Nghĩa là bố cục của trang có ổn định khi đã tải xong? Tôi chắc chắn rằng trong chúng ta đã từng gặp phải tình trạng khi tải xong 1 website nào đó trên điện thoại của mình, trên web ấy có 1 nút bấm để chúng ta tương tác nhưng khi vừa định bấm nó thì bố cục của trang lại thay đổi bất ngờ làm cho cái nút ấy bị tụt xuống bên dưới và dẫn đến tình trạng chúng ta bấm vào 1 thứ khác.

Đó là một trải nghiệm cực kì khó chịu. Do đó Google đã đưa chỉ số này vào để đo lường. Vậy làm thế nào để web tải nhanh và bố cục ổn định? Lý do hàng đầu gây ra tình trạng bố cục không ổn định là kích thước hình ảnh thường không được xác định. Vì vậy những hình ảnh đó cần được gán giá trị chiều rộng và cao trong HTML. Còn nhiều lý do khác nữa, chẳng hạn như hình ảnh động và những thứ tương tự…

Các trang web nên có chỉ số CLS dưới 0.1

3. First Input Delay (FID)

Chỉ số thứ ba là: Độ trễ tương tác đầu tiên (FID). Nghĩa là trang web được tương tác nhanh như thế nào? Nói cách khác, khi người dùng nhấp vào thứ gì đó, nút bấm hoặc sự kiện JavaScript, thì trình duyệt bắt đầu xử lý và trả về kết quả nhanh đến mức nào?

Sẽ là trải nghiệm rất tệ nếu bạn nhấp vào một cái gì đó và không có gì xảy ra hoặc xảy ra rất chậm. Vì vậy đây chính là chỉ số để đo lường vấn đề này. Vấn đề này có thể phụ thuộc vào JavaScript, mã của bên thứ ba và có nhiều cách khác nhau để tìm hiểu và sửa chúng...

Thời gian phản hồi nên dưới 100 mili giây (ms)

Tóm lại cả 3 chỉ số của Core Web Vitals đều để đo lường trải nghiệm người dùng khi truy cập website.

Cách đo lường và khắc phục

Nếu website bạn gặp sự cố, làm thế nào để có thể đo lường Core Web Vitals và cách khắc phục những vấn đề đó ra sao?

Google đã làm nó rất đơn giản để kiểm tra tình trạng website. Điều đầu tiên là bạn sẽ tìm trong Search Console, nó có một báo cáo mới ở đó - Core Web Vitals. Nó sẽ cho bạn biết tất cả các URL website của bạn mà đã được lập chỉ mục sẽ có tình trạng cần cải thiện hay đã tốt.

Nếu bạn có URL kém hoặc cần cải thiện, bạn sẽ kiểm tra và tìm hiểu vấn đề và cách bạn có thể cải thiện các trang đó. Mỗi báo cáo trong Search Console liên kết đến một báo cáo trong Pagespeed Insights. Đây là công cụ hàng đầu để sử dụng chẩn đoán các vấn đề của website với Core Web Vitals.

Nó được cung cấp bởi Lighthouse, một bộ công cụ đo hiệu suất. Một số vấn đề trong số này khá nặng về kỹ thuật, vì vậy nếu bạn không chuyên về kỹ thuật thì có thể sẽ cần thêm một lập trình viên hoặc người am hiểu các vấn đề về kỹ thuật website và hosting để hỗ trợ.

Đó là tất cả về Core Web Vitals một cách hiểu đơn giản nhất. Đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta cùng kiểm tra lại website của mình, khắc phục những vấn đề còn tồn tại theo “thước đo xếp hạng” mới mà Google sẽ áp dụng để website đạt được thứ hạng cao nhất.

Tham khảo: Moz

20/07/2020 10:51